24h qua RSS
7/25/2021 06:21:00 CH /

Lịch sử hình thành và phát triển


1. Giai đoạn 1960 - 1992

Tháng 12 năm 1960, Bệnh xá Ba Thá được thành lập. Với 20 cán bộ Y tế, cơ sở hạ tầng và điều kiện còn nghèo nàn lạc hậu. Nhưng với nhiệm vụ chính là phục vụ sức khỏe cho nhân dân, đội ngũ cán bộ Y tế của Bệnh xá Ba Thá đã không quản khó khăn gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, để đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năm 1965, Tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội) đã quyết định thành lập mỗi một huyện một Bệnh viện và Bệnh viện huyện Mỹ Đức (nay là Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức) đã được kế thừa và phát huy tinh thần trách nhiệm trong kháng chiến. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà Nước giao phó. Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử trước những tổn thất nặng nề của chiến tranh, dịch bệnh, điều kiện sống còn nghèo nàn, công tác Y tế lạc hậu, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của thời cuộc. Năm 1969, Bệnh viện huyện Mỹ Đức (nay là Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức) được chuyển về đóng tại thôn Hà Xá giữa xã Đại Nghĩa và xã Đại Hưng (nay thuộc Thị trấn Đại Nghĩa). Biên chế gồm 40 cán bộ công nhân viên, tuy cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Song, cán bộ Bệnh viện đã không quản ngại khó khăn, gian khổ trong chiến tranh. Đoàn kết một lòng vượt qua mọi thử thách và đã cấp cứu được nhiều bệnh nhân nặng, động viên được nhiều con em, cán bộ trong ngành lên đường đánh Mỹ. Nhiều cán bộ đã tình nguyện vào chiến đấu phục vụ tại các chiến trường miền Nam, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tô thắm thêm cho trang sử truyền thống của ngành; Thực hiện phương châm Đông - Tây Y kết hợp, bệnh viện đã chỉ đạo tốt phong trào trồng cây thuốc Nam tại các xã trong huyện. Đến năm 1973, Bệnh viện Mỹ Đức đã được Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng cờ, công nhận là lá cờ đầu toàn quốc về phong trào trồng cây thuốc Nam và hàng năm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, được ghi nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

2. Giai đoạn 1992 - 2007

Đánh dấu sự đổi thay của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng hệ thống Y tế từ Trung ương đến địa phương. Phân chia thành từng lĩnh vực công tác, để triển khai sâu rộng các chính sách Y tế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy Y tế; Cụ thể tháng 01/1992 đã tiến hành sáp nhập và hợp nhất giữa Bệnh viện huyện với Phòng Y tế đổi tên gọi thành Trung tâm Y tế huyện. Tiếp tục thực hiện chức năng khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Gắn liền với chức năng quản lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Từng bước phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, đổi mới chính sách tài chính Y tế, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy Đảng, chính quyền. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao hiệu quả thông tin - giáo dục - truyền thông. Hệ thống Y tế trong giai đoạn này tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, từng bước tách biệt chức năng, nhiệm vụ theo khối Khám chữa bệnh, Y tế dự phòng, quản lý nhà nước về chuyên môn hay gọi cách khác là phòng Y tế. Tháng 06 năm 2006, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức được chia tách thành 03 đơn vị: Bệnh viện huyện Mỹ Đức, Trung tâm Y tế dự phòng (nay là Trung tâm Y tế) và Phòng Y tế huyện Mỹ Đức theo Quyết định số 565/2006/QĐ-UBND ngày 31/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây; Hàng năm đơn vị đều đạt danh hiệu thi đua tập thể lao động xuất sắc và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác y tế, Bảo hiểm Y tế.


 CÁC Đ/C NGUYÊN LÃNH ĐẠO TRUNG TÂM Y TẾ (NAY LÀ BỆNH VIỆN)

(Từ trái qua phải: Đ/c Dư Đình Tráng, đ/c Nguyễn Đức Luân, Đ/c Bùi Đăng Dung,

Đ/c Lê Văn Dũng)

3. Giai đoạn 2008 đến nay

Đây là giai đoạn đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Y tế nước nhà. Gắn liền với sự phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện huyện Mỹ Đức. Qua các thời kỳ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, góp phần tích cực cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Giai đoạn này gắn liền với sự kiện quan trọng, tháng 08 năm 2008 hợp nhất địa giới hành chính giữa Thành phố Hà Nội và Tỉnh Hà Tây. Bệnh viện huyện Mỹ Đức chính thức được đổi tên thành Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức. Trực thuộc Sở Y tế Hà Nội theo Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Bệnh viện đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Mỹ Đức và Sở Y tế Hà Nội. Từng bước khắc phục mọi khó khăn, đã giành những khoản đầu tư xây dựng cơ bản trong việc xây mới cơ sở hạ tầng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị Y tế hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực Y tế, cải cách tiền lương, cải thiện đời sống của cán bộ viên chức, người lao động. Đảm bảo nhu cầu của cuộc sống giúp cán bộ yên tâm công tác.

Trong giai đoạn hiện nay với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học Y tế, các chính sách hỗ trợ chuyên môn có trình độ tay nghề cao. Như Đề án 1816/QĐ-BYT, ngày 26/05/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên từ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. Mới đây là Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013, của Thủ tướng chính phủ về việc “Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Đã giúp cho Bệnh viện tiếp nhận và từng bước nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật dịch vụ cao trong công tác chuyên môn, phẫu thuật, thủ thuật mang lại dấu hiệu tích cực và hiệu quả. Nhận được sự tín nhiệm của người bệnh, cải thiện sự thiếu hụt về chất lượng đội ngũ Y Bác sỹ, làm chủ các thiết bị Y học. Vận hành và trải nghiệm một cách hiệu quả; Hiện tại, Bệnh viện đã được triển khai thực hiện thành công một số các loại kỹ thuật cao như: Hồi sức cấp cứu thở máy; đặt Catherer tĩnh mạch trung tâm; Phẫu thuật chấn thương bụng kín; vết thương thấu bụng; cắt đoạn ruột làm hậu môn nhân tạo; khâu vết thương gan; vết thương dạ dày, ruột, Phẫu thuật bóc u phì đại tiền liệt tuyến; cắt thận; cắt túi mật; cắt tử cung hoàn toàn đường âm đạo do sa sinh dục; kết xương nẹp vít; đinh nội tủy; cắt bán phần thùy tuyến giáp; đẻ không đau…

Mặt khác để đạt được những thành tựu to lớn trong việc phát triển quy mô, cơ cấu tổ chức, từng bước phát triển. Nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, học tập, rèn luyện. Nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác khám, chữa bệnh. Tập thể CBVC, NLĐ của Bệnh viện đã không ngừng phấn đấu, cống hiến tận tâm, tận lực để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Ghi nhận và vinh danh cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là những danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và cá nhân xuất sắc trong công tác Y tế. Gần đây nhất năm 2014, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức được UBND thành phố Hà Nội tặng giấy khen “Tập thể lao động xuất sắc”, biểu dương trong toàn ngành Y tế. 𑂽

Ý KIẾN BẠN ĐỌC ()

Hỗ trợ: 1900886697
Livechat Facebook Version 2.5