 |
Hình ảnh chuẩn bị chỉ trước khi thực hiện thủ thuật |
- Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ tự tiêu trong y khoa (chỉ catgut) vào huyệt vị của hệ kinh lạc, mục đích gây kích thích lâu dài qua đó tạo nên tác dụng trị liệu. Cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt
Cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ
Theo y học hiện đại
- Cấy chỉ hay châm cứu là một kích thích tạo ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế hoặc dập tắt cung phản xạ bệnh lý.
- Tại nơi cấy chỉ hay châm cứu tổn thương sẽ tiết ra các chất trung gian hóa học như histamin, acetylcholin, catecholamine, … bạch cầu tập trung gây phù nề tại chỗ sẽ chèn ép vào các sợi thần kinh cảm giác, gây ra các phản xạ đột trục. Các kích thích này được truyền vào tủy sống, lên não, đến các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới… làm thay đổi tính chất của tổn thương, giảm xung huyết, bớt nóng, giảm đau, mềm cơ.
- Sự phân chia tiết đoạn thần kinh và có sự liên quan giữa các tạng phủ đối với các vùng cơ thể do tiết đoạn chi phối:
(--) Thần kinh tủy sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra ngành trước và ngành sau chi phối vận động và cảm giác một vùng gọi là tiết đoạn. Mỗi tiết đoạn thần kinh chi phối cảm giác ở một vùng da nhất định có liên quan đến hoạt động của nội tạng nằm tương ứng. Khi nội tạng có bệnh, cảm giác vùng da cùng tiết đoạn với nó tăng cảm giác đau, thay đổi điện sinh vật.
(--) Nếu nội tạng tổn thương, châm cứu vào các vùng da có phản ứng hay trên cùng một tiết đoạn với nội tạng sẽ chữa các bệnh ở nội tạng.
- Vai trò của thể dịch, nội tiết và các chất trung gian thần kinh: Châm cứu đã kích thích cơ thể tiết ra các chất Endorphin là một polypeptide có tác dụng giảm đau rất mạnh.
Theo YHCT:
Sự mất cân bằng về âm dương dẫn đến sự phát sinh ra bệnh tật vì vậy cơ chế tác dụng cơ bản của châm cứu là điều hòa âm dương.
Bệnh tật phát sinh ra làm rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc, do vậy tác dụng của châm cứu là điều chỉnh cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.
Khi tạng phủ có bệnh thường có những biểu hiện thay đổi bệnh lý trên các đường kinh mang tên nó hoặc trên các đường kinh có mối quan hệ biểu lý với nó. Người ta sẽ dùng các huyệt trên kinh đó để điều chỉnh công năng của tạng phủ tương ứng.
 |
Hình ảnh kỹ thuật cấy chỉ |
Chỉ định và chống chỉ định của cấy chỉ
- Chỉ định:
Các bệnh lý về xương khớp đau các khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau trong các bệnh lý về thần kinh, điều trị các chứng liệt, bệnh cơ năng và triệu chứng của một số bệnh như mất ngủ, nấc, bí tiểu chức năng…
- Chống chỉ định:
Người bệnh đang sốt cao, sức đề kháng giảm, phụ nữ có thai, bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut. Tránh cấy chỉ vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da. Tất cả những cơn đau nghi do nguyên nhân ngoại khoa
Cấy chỉ điều trị hiệu quả một sống bệnh như:
Khoa Y học cổ truyền hiện nay đã triển khai được các kỹ thuật cấy chỉ điều trị các bệnh thường gặp và hay tái phát có hiệu quả cao như:
- Cấy chỉ chữa viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm xoang
- Cấy chỉ chữa bệnh về xương khớp như: đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, đau lưng, thoát vị đĩa đệm…
- Cấy chỉ chữa trào ngược dạ dày thực quản…
- Cấy chỉ chữa đau đầu, mất ngủ…..
- Cấy chỉ cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể.
 |
Hình ảnh cấy chỉ điều trị đau lưng cho bệnh nhân |
Ưu điểm của cấy chỉ
- Hiệu quả điều trị cao:
Thực tế điều trị cho thấy cấy chỉ mang lại kết quả nhanh chóng hơn phương pháp châm cứu truyền thống. Người bệnh sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt ngay từ lần trị liệu đầu tiên. Ngoài ra, tác dụng điều trị mà cấy chỉ mang lại còn duy trì trong thời gian dài, hạn chế tái phát bệnh trở lại.
- Là phương pháp điều trị không dùng thuốc: Phương pháp cấy chỉ hoàn toàn không dùng thuốc mà chỉ dùng chỉ tự tiêu (chỉ catgut) cùng với dụng cụ kim châm để đưa chỉ vào cơ thể, vì vậy người bệnh có thể tránh được các tác dụng phụ so với khi điều trị bằng thuốc.
- Phù hợp cho nhiều đối tượng người bệnh:
Điều trị bằng cấy chỉ có thể ứng dụng trên nhiều đối tượng người bệnh, từ người trưởng thành đến người già, trẻ em đều có thể sử dụng.
- Giúp tiết kiệm thời gian và chi phí:
Thông thường một buổi trị liệu bằng cấy chỉ thường kéo dài từ 30 phút đến 45 phút tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh. Khoảng cách giữa hai buổi cấy chỉ là từ 15 đến 20 ngày. So với phương pháp châm cứu truyền thống, người bệnh có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc đi lại và nằm viện điều trị.
- Giúp tăng lưu thông máu, tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe:
Khi cấy một đoạn chỉ tự tiêu vào huyệt vị sẽ làm tăng phản ứng đồng hóa, giảm dị hóa, đồng thời tăng cường chuyển hóa protein, hydratcacbon tại vị trí các cơ gần huyệt vị. Nhờ đó làm tăng lưu thông máu, nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch cho người bệnh./.
___________
Để khám và điều trị tư vấn về phương pháp cấy chỉ xin liên hệ:
Tổng đài bệnh viện 1900886697
Bác sĩ CKI Nguyễn Thành Huy - PGĐ, Trưởng khoa YHCT. SĐT: 0987174444 Hoặc Bác sĩ Nghiêm Quang Mạnh phó trưởng khoa YHCT bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức SĐT: 0348180468